[BÁO KIẾN VIỆT] Trò chuyện cùng NTK Nguyễn Phương Chi: Hành trình xây dựng thương hiệu đồ nội thất Việt Nam
Mới đây, thiết kế Chong Daybed của đội ngũ Sema Design Studio (trực thuộc Sema Group) đã vinh dự khi được nhận giải thưởng tại cuộc thi International Design Awards 2023 – một trong những Giải thưởng Thiết kế hàng đầu tại Mỹ. Nhân dịp này, Kiến Việt đã có cuộc trò chuyện với Nhà thiết kế nội thất Nguyễn Phương Chi (CEO Sema Group) để lắng nghe những chia sẻ của chị về Chong Daybed, những tâm sự về con đường đến với nghề nội thất và theo đuổi thiết kế lấy cảm hứng từ phong cách Bắc Âu cũng như tinh thần truyền thống Việt Nam.
Vũ Hiệp: Chúc mừng chị Nguyễn Phương Chi cùng nhóm thiết kế của Sema vừa nhận giải thưởng Honorable mention – International Design Awards 2023 với tác phẩm Chong Daybed. Tôi còn được biết tác phẩm này trước đó cũng được trao giải Bạc Vmark Design Awards. Chị có thế giới thiệu về Chong Daybed?
Nguyễn Phương Chi: Chong Daybed được lấy cảm hứng từ chiếc chõng tre truyền thống. Đó là một sản phẩm nội thất hiện đại, kế thừa từ tinh hoa văn hóa lịch sử của chiếc chõng tre Việt. Chúng tôi nghiên cứu, thử nghiệm trong hơn hai năm để hoàn thiện kiểu dáng, kết cấu, vật liệu. Thiết kế ứng dụng vật liệu hiện đại như: gỗ sồi mỹ, kim loại, da Microfiber. Sản phẩm giữ lại được vẻ đẹp về tỉ lệ, giá trị đa dụng của chiếc chõng tre xưa nhưng phù hợp hơn với đời sống đương đại .
Vũ Hiệp: Kể từ nhãn hiệu Nemo của họa sĩ, nhà thiết kế Trịnh Hữu Ngọc thời Pháp thuộc, việc xây dựng thương hiệu đồ nội thất ở Việt Nam bị ngắt quãng cả thế kỷ. Có tín hiệu đáng mừng là gần đây đã xuất hiện một số thương hiệu đồ nội thất Việt Nam, trong đó có thể kể đến Sema. Chị có thể chia sẻ con đường đến với nghề làm đồ nội thất?
Nguyễn Phương Chi: Tôi học chuyên ngành Kiến trúc công trình ở trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, thi vào là vì thích vẽ chứ cũng chưa mường tượng công việc kiến trúc sư như thế nào. Tôi tự nhận mình là một sinh viên chăm chỉ, cầu thị, không quá “tài hoa” hay đặc biệt “sáng tạo” như một số bạn xuất sắc cùng khóa. Dù vậy, cũng có một số “thành tích” nhỏ thời sinh viên như đạt giải nhất thiết kế nhanh trong Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc năm 2008.
Năm 2011, tôi học thạc sĩ ở Nancy, chuyên ngành Thiết kế kính trong kiến trúc. Về nước năm 2013, tôi làm ở một văn phòng thiết kế kiến trúc – nội thất. Phương hướng cuộc đời, khi đó, còn khá mông lung.
Vũ Hiệp: Như vậy, chị không hề học thiết kế đồ nội thất một cách “chính tắc”, dù cho trong các chương trình đào tạo kiến trúc ít nhiều có liên quan!
Nguyễn Phương Chi: Đúng vậy. Nhưng không chỉ ở Việt Nam, ngành thiết kế đồ nội thất hiện đại trên thế giới cũng có nhiều kiến trúc sư tham gia thiết kế trước khi ngành này được định hình rõ nét và có các chương trình đào tạo bài bản.
Mười năm trước đây, lực lượng thiết kế nội thất ở Việt Nam còn khá mỏng, huống chi là thiết kế đồ nội thất. Tất nhiên, các thợ mộc dân gian xưa nay luôn chế tác những sản phẩm đặc trưng cho các thời kỳ. Tôi thừa nhận rằng sức sáng tạo của dân gian rất phong phú, nhưng không làm nổi bật tính cá nhân và khả năng nhận diện thương hiệu. Trong khi đó, các thương hiệu đồ nội thất thế giới đã phát triển hàng trăm năm nay.
Vũ Hiệp: Và chị quyết định phải có một thương hiệu đồ nội thất Việt Nam?
Nguyễn Phương Chi: Tôi đến với “nghiệp” đồ nội thất không theo ý chí kiểu như vậy, mà là tự cuộc đời nó tìm đến. Năm 2015, tôi cùng chồng, KTS Phạm Tuấn Anh, thành lập công ty Sema, lúc đầu chỉ tính thiết kế nội thất. Chúng tôi nhập đồ Trung Quốc về để phục vụ các dự án thiết kế nội thất. Thú thực mà nói, thời điểm 2015 khi đó thị trường rất “khát” các sản phẩm đẹp, được thiết kế mới mẻ, các KTS đều mong muốn tìm kiếm các sản phẩm độc đáo cho các công trình của mình nhưng rất khan hiếm. Kể từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về thị trường đồ nội thất rồi tự đặt câu hỏi: “Tại sao Việt Nam mình không tự thiết kế mà phải “nhái” hay “gia công” theo các thương hiệu quốc tế?” Vị thế nào cho Việt Nam nếu cứ tiếp tục phụ thuộc như vậy?
Năm 2018, chúng tôi ra mắt Nordic – thương hiệu thiết kế và sản xuất đồ nội thất lấy cảm hứng từ phong cách Bắc Âu được nghiên cứu, thiết kế và tối ưu cho người Việt Nam. Dòng sản phẩm này được thị trường đón nhận tích cực. Nhìn những sản phẩm do mình thiết kế và sản xuất, có một cảm giác rất đặc biệt. Lúc đó tôi mới nhận ra là mình sinh ra để làm đồ nội thất. Và tôi tìm thấy trong sổ tay thời đi học ở Pháp hồi 2011, tôi rất hay vẽ phác thảo đồ nội thất trong lúc rảnh rỗi, như một cách giải trí mà không nhận thức được đó là một “dấu hiệu của nghiệp”. (cười)
Vũ Hiệp: Tại sao chị lại lấy cảm hứng từ Bắc Âu mà không phải một nơi khác có khí hậu, văn hóa gần gũi với Việt Nam hơn?
Nguyễn Phương Chi: Thứ nhất, tính đơn giản, hiệu quả của đồ nội thất Bắc Âu khá phù hợp với cuộc sống đương đại, và cũng là một dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu sống về căn bản của con người ngày nay: tính tiện dụng, đề cao trải nghiệm cá nhân, sống cân bằng và hài hòa với thiên nhiên.
Thứ hai, triết lý thiết kế, triết lý sống của người Bắc Âu có nhiều điểm tương đồng với người Việt Nam như yêu thích sự tự nhiên ưu tiên sử dụng đồ rời trong nội thất, hướng tới sự thoải mái, hài hòa trong cuộc sống. Chẳng hạn, phong cách Lagom – triết lý sống của người Thụy Điển có quan điểm thiết kế “vui trong thời điểm hiện tại”, hay phong cách sống Hygge của Đan Mạch thì hướng tới “cảm xúc từ những điều nhỏ nhặt”. Phần lớn người Việt cũng có suy nghĩ và mong muốn như vậy, nhưng không đẩy lên thành triết lý như người Bắc Âu.
Vũ Hiệp: Phát hiện của chị thật thú vị! Tôi đang tò mò muốn biết bằng cách nào chị có thể tích hợp phong cách Bắc Âu vào đồ nội thất Việt Nam?
Nguyễn Phương Chi: Nếu như có khái niệm “đồ nội thất Việt Nam” thì trong đó ít nhiều đã có “tích hợp” rồi. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng văn hóa Việt Nam có tính chiết trung, tích hợp.
Đồ nội thất Bắc Âu mang vẻ đẹp tối giản, trong khi đó người Việt Nam lại rất hiếm trường hợp sống tối giản. Một ví dụ có thể thấy là trong không gian sống của người Việt luôn có rất nhiều những món đồ lặt vặt như: điều khiển, lọ tăm, bật lửa, ấm trà…và chúng thường được sắp xếp tùy hứng tạo cảm giác lộn xộn. Một mẫu bàn trà điển hình Bắc Âu là chỉ có mặt bàn đặt trên các chân thanh mảnh, nhưng chúng tôi đã phải nghiên cứu bổ sung thêm khoang để đồ cho phù hợp với thói quen sinh hoạt của người Việt Nam để không gian được gọn gàng và thẩm mỹ hơn. Nói chung, Nordic thiết kế lấy người Việt làm trung tâm, gợi cảm hứng từ phong cách Bắc Âu.
Vũ Hiệp: Bên cạnh nhánh Nordic, yếu tố truyền thống được chị khai thác như thế nào trong các bộ sản phẩm khác?
Nguyễn Phương Chi: Sema đang thực hiện hai bộ sản phẩm Legacy và Nhà Việt. Chong Daybed là sản phẩm đầu tiên của bộ Nhà Việt, lấy cảm hứng từ đồ nội thất dân gian Việt Nam. Chõng là một đồ vật đa chức năng quen thuộc xưa kia nhưng không có mặt trong đời sống đương đại. Nó cần được cải tiến để phù hợp với sản xuất công nghiệp, có thể lắp ráp, mang đi khắp nơi, làm sao nhẹ nhất có thể mà vẫn bền vững. Luôn có cách để truyền thống tiếp tục “sống” trong hiện tại.
Bộ Legacy lấy cảm hứng từ vẻ đẹp sang trọng của hoàng gia, định vị thuộc phân khúc high-end. Sản phẩm đầu tiên là Queen Chair, đã được trao giải Nhì trong cuộc thi thiết kế “Đánh thức truyền thống” tại Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021. Queen Chair được gợi ý từ những chiếc ghế cung đình mà Nam Phương Hoàng Hậu sử dụng. Bà là người phụ nữ hết mực thủy chung, tài giỏi và có lòng tự hào dân tộc. Là một phụ nữ quý tộc có học thức, tiếp thu văn hóa phương Tây và hấp thụ tinh hoa phương Đông từ gia đình. Queen Chair muốn mang lại một dáng vẻ cốt cách từ người phụ nữ quyền lực nhưng lại dung dị và tao nhã. Chất liệu truyền thống sơn mài được đặt cạnh những vật liệu mới như vải thô, da nhằm tạo sự tương phản, thể hiện sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo lên sự ấn tượng, tính đương đại cho thiết kế.
Vũ Hiệp: Trong 9 năm, chị và các cộng sự đã xây dựng Sema trở thành một hãng thiết kế đồ nội thất tiên phong của Việt Nam. Hành trình đó hẳn có nhiều chông gai?
Nguyễn Phương Chi: Khi mới ra mắt thương hiệu Nordic năm 2018, tôi được mời tham gia chương trình “Cà phê khởi nghiệp” trên VTV3. Trong buổi trò chuyện đó, tôi đã liều nói rằng muốn “tạo ra thương hiệu thiết kế đồ nội thất Việt Nam”. Trót nói vậy rồi thì phải cố gắng làm. (cười)
Chúng tôi startup mà gần như không có kinh nghiệm gì về sản xuất, quản trị, nguồn tài chính lại eo hẹp. Mà cũng không có công ty nào trong cùng lĩnh vực đi trước để tham chiếu, học hỏi. Cứ làm việc ngày đêm mà mãi không thấy kết quả đâu. Đôi lúc nhìn lên trời, rớt nước mắt, cay đắng tự hỏi: “Sao mình không làm những sản phẩm người ta đã thử nghiệm thị trường rồi, lại cứ đâm đầu theo lý tưởng, ước mơ “đồ nội thất Việt”? Như vậy có “dại” không?”
Nhưng rồi, lại tự nhủ rằng: “Nếu ai cũng như vậy thì ai sẽ tạo ra giá trị cho xã hội? Việt Nam cứ mãi chịu ở vị thế thấp hay sao?”
Vũ Hiệp: Và xã hội đã hồi đáp chị xứng đáng chưa?
Nguyễn Phương Chi: Chặng đường dài vẫn ở phía trước, nhưng hiện tại chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ, khích lệ, ghi nhận từ thị trường cũng như giới nghề. Không ít lần, tôi định bỏ cuộc. Mỗi lần như vậy, tôi xốc lại tinh thần, tự nói với mình: “Người Việt Nam có quyền sử dụng đồ nội thất Việt Nam”.
Tôi luôn kiên định theo đuổi giá trị xã hội nhiều hơn là kiếm tiền. Mỗi sản phẩm được nghiên cứu rất tỉ mỉ, kéo dài hàng năm, có khi hơn hai năm mới có kết quả ưng ý.
Vũ Hiệp: Và hình như “xã hội” cũng không ngần ngại “nhái” theo những mẫu thiết kế mới của Sema, Nordic!
Nguyễn Phương Chi: Đúng là có hiện tượng đó. Nhưng tôi không sợ nhái, vì sản phẩm của chúng tôi được làm rất cẩn thận, tỉ mỉ. Chưa có ai nhái được đến 70%. Đôi khi còn thấy tự hào, vì như vậy chúng tôi là người dẫn dắt xu hướng.
Người ta “nhái” mình không đáng lo. Sợ nhất là mình tự “nhái” mình!
Vũ Hiệp: Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này! Chúc chị và Sema luôn sáng tạo, khẳng định thương hiệu đồ nội thất Việt Nam!
Kiến trúc sư, Nhà thiết kế nội thất Nguyễn Phương Chi:
|
BÀI VIẾT TRÊN BÁO KIẾN VIỆT, CHI TIẾT MỜI BẠN ĐỌC TẠI ĐÂY.